Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Dực: Say mê tìm cái đẹp

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Dực: Say mê tìm cái đẹp

(GLO)- Mỗi người nghệ sĩ đều có vùng mỹ cảm của riêng mình. Với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Dực, vùng mỹ cảm mà ông hướng đến là vẻ đẹp của con người, cuộc sống. Ông luôn tin rằng “Tất cả hiện thực đời sống nằm trong cái đẹp và tất cả cái đẹp phải nằm trong hiện thực đời sống”.


Năm 2019 đánh dấu chặng đường 35 năm bền bỉ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh của nghệ sĩ Phạm Dực với những thành quả được ghi nhận một cách xứng đáng. Đặc biệt, ông đã được Hội NSNA Việt Nam phong tặng danh hiệu NSNA đặc biệt xuất sắc (E.VAPA/G). Đây là tước hiệu cao quý nhất của Hội NSNA Việt Nam phong tặng cho hội viên. Trước đó, năm 2011, NSNA Phạm Dực đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) phong tặng tước hiệu NSNA xuất sắc quốc tế (EFIAP).

“Đem ánh sáng vào trái tim con người”

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Dực có cách nói chuyện khá tếu táo. Theo ông, đó là cách làm cho gánh nặng cuộc sống “nhẹ bớt đi, vui nhiều hơn”. Ông đưa cả tinh thần sống ấy vào nhiều tác phẩm, ẩn hiện dưới những nụ cười. Ngoài những tác phẩm để đời, bắt trúng những khoảnh khắc “thiêng” về văn hóa Tây Nguyên, NSNA Phạm Dực còn có nhiều bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đời thường tràn ngập niềm vui, khiến người xem có cái nhìn trìu mến, lạc quan về cuộc sống.

Ông quan niệm rằng, cuộc đời không đẹp như những nụ cười. Cuộc sống giống như một khu vườn cùng lúc được gieo trồng cả những hạt mầm hạnh phúc lẫn đau thương mất mát nên hãy chắt chiu, gìn giữ khoảnh khắc mang đến cho ta nụ cười. Những bức ảnh của ông “bắt” lấy nụ cười trong đủ mọi sắc thái hạnh phúc khiến người ta như đang bước đi trên sa mạc bỏng rát bỗng chạm vào thảm cỏ mát mềm. Những tác phẩm như “Hồn nhiên”, “Những nụ cười”, “Thích thú”, “Ngộ nghĩnh”, “Bé cười”,... được NSNA Phạm Dực đặt chung tên gọi là “những nụ cười”, mang đến cho người xem cảm xúc mát lành trong tâm hồn như vậy. Đó chính là cảm nhận của ông về cuộc đời. Có lẽ, đây cũng là điều khiến ông trở nên “đặc biệt xuất sắc” với tư cách là một người nghệ sĩ luôn cố gắng đi tìm cái đẹp trong hiện thực cuộc sống bề bộn, luôn cố gắng “đem ánh sáng vào trái tim con người”.

Không ngừng sáng tạo

Phạm Dực là một trong những người ở Gia Lai đến với ảnh nghệ thuật khá sớm. Ông bắt đầu cầm máy từ năm 1984. Đầu năm 2002, ông lấn sân sang mảng ảnh nghệ thuật khi đã khá thành công ở mảng ảnh dịch vụ. Ông kiếm tiền từ nghề nghiệp và rất biết cách để tôn vinh, làm sang cho nghề của mình. Ông chia sẻ: “Những năm đó, phong trào chụp ảnh nghệ thuật ở Gia Lai còn khá ít người tham gia vì đây là cuộc chơi công phu, tốn kém”. Tận dụng triệt để thế mạnh của một người cầm máy lâu năm, có chiều sâu của sự trải nghiệm, Phạm Dực đã khái quát những vấn đề xã hội nổi cộm, những giá trị văn hóa bền vững trong từng bức ảnh nghệ thuật. Tính tiên phong và sự sáng tạo khiến ông có vị trí xứng đáng trong giới NSNA. Vì thế, gia tài nghệ thuật của ông dù không quá đồ sộ nhưng lại có nhiều tác phẩm mang giá trị, ý nghĩa đặc biệt.

“Tôi không thích chụp theo lối mòn mà chú trọng đến tư duy sáng tạo nhiều hơn. Nếu không có ý tưởng thì cái xảy ra ngay trước mắt cũng nhìn không thấy. Vì vậy, có những đề tài tôi nung nấu nhiều năm, khi gặp đúng khoảnh khắc “vàng”, chỉ cần bấm máy là đã có tác phẩm vừa lòng”-NSNA Phạm Dực chia sẻ. Dấn thân vào cuộc chơi bằng thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp như vậy nên Phạm Dực được nhiều người đánh giá rất cao. Nhà nghiên cứu lý luận và phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Huy Hoàng có lần nhận xét về ảnh nghệ thuật của Phạm Dực: “Ý tưởng sâu xa chỉ cho ta chụp cái gì đích đáng, tài năng đưa ta đến đỉnh cao nghệ thuật”. Nhận xét này đã chỉ rõ sự dụng công đầu tư trí tuệ cho nghệ thuật của NSNA Phạm Dực.

Có thể nói, mỗi lần bấm máy, NSNA Phạm Dực không chỉ tạo ra một bức ảnh đẹp, mà ông còn giống như đang kể một câu chuyện theo cách riêng của mình. Đó là khoảnh khắc thanh bình khi người mẹ cho con bú trong tác phẩm “No nê” nhưng có sức mạnh khơi gợi vô vàn cảm xúc về tình mẫu tử, bởi ai cũng lớn lên từ bầu sữa mẹ. Những ký ức đẹp đẽ của tuổi trẻ, tình yêu, của niềm hạnh phúc được nhìn lại chỉ giản dị bằng một cái nắm tay lúc về già với “Hạnh phúc tuổi già”. Hay tác phẩm “Hồn Tây Nguyên” kể câu chuyện dài như ngàn trang sử thi về chiều sâu thăm thẳm của một nền văn hóa. Một bức ảnh “Cứu” đã lột tả bao nhiêu mất mát, đồng thời thức tỉnh hàng triệu con tim rằng hãy cứu lấy rừng. Rồi bức ảnh “Phòng cúm A/H1N1” diễn tả nỗi kinh hoàng chung của hàng triệu người về một đại dịch trong thế giới hiện đại… Cứ như thế, những tác phẩm mang về vinh quang và khẳng định tên tuổi của NSNA Phạm Dực trong sáng tác có thể xem là những hình tượng nghệ thuật điển hình vì sức khái quát cao về cuộc sống, văn hóa, bản sắc dân tộc...

Mỗi bức ảnh của NSNA Phạm Dực là một câu chuyện, một vấn đề xã hội, và con người luôn là tâm điểm trong sáng tác của ông. Không chỉ kể câu chuyện cho riêng mình, ông đã đưa câu chuyện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh chạm vào đời sống nhân loại. Nhiều tác phẩm của Phạm Dực đã nhận được hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế bởi những giá trị phổ quát như thế. Đến nay, ông đã giành được hơn 100 giải thưởng trong nước và quốc tế, có ảnh được chọn triển lãm tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, riêng tác phẩm “Cứu” đã giành được hơn 40 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 15 giải vàng, huy chương vàng. Đặc biệt, tác phẩm này đã đạt giải nhất tại triển lãm ảnh nghệ thuật 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới. Tuy đây không phải là giải thưởng lớn nhất nhưng lại khiến NSNA Phạm Dực cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc của một người cầm máy. Nó cho ông hiểu rằng, đồng hành cùng người nghệ sĩ trong hành trình đi tìm vẻ đẹp vô tận, giá trị đích thực của cuộc sống là sự thức tỉnh lương tri của con người trước những vấn đề lớn lao của đất nước.

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            HOÀNG NGỌC

Social Share: