Phạm Dực -Người ghi chép ký ức qua ảnh
(GLO)- Năm 2022 là mốc son đặc biệt của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Dực khi chạm mốc 200 giải thưởng quốc tế sau 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật.
Năm 1978, khi còn trong lực lượng Hải quân Việt Nam, NSNA Phạm Dực đã được học về chuyên ngành Ảnh báo chí. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Ba là người thầy đầu tiên dạy ông về nhiếp ảnh. Mãi đến năm 2002, NSNA Phạm Dực mới lấn sân sang mảng ảnh nghệ thuật và liên tiếp gặt hái thành công với những giải thưởng quốc tế danh giá. Những tuyệt phẩm của ông vừa có cái đẹp của nghệ thuật, vừa tràn đầy hơi thở cuộc sống. Theo NSNA Phạm Dực, mỗi tác phẩm chỉ đẹp thôi chưa đủ, mà phải chứa đựng thông tin, chuyển tải những câu chuyện nhân văn về đời sống. Do vậy, trong nhiều tác phẩm của ông rất khó để phân biệt được ranh giới giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. “Cứu” là một ví dụ điển hình. Đây là tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt trên 40 giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng cũng là câu chuyện thời sự nóng hổi xuyên suốt hàng thập kỷ qua về sự tàn phá rừng, tàn phá thiên nhiên ở Tây Nguyên.
Mốc son trong sự nghiệp
Trò chuyện về những giải thưởng quốc tế liên tiếp vừa đón nhận, NSNA Phạm Dực cho hay, giải thưởng tuy còn khiêm tốn nhưng với cá nhân ông lại rất có ý nghĩa. Bởi năm 2022 cũng đánh dấu chặng đường 20 năm ông đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, đồng thời chạm mốc 200 giải thưởng quốc tế. Ông còn có nhiều tác phẩm được triển lãm ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Mỗi lần đón nhận giải thưởng, tôi đều có niềm vui riêng. Bởi mỗi tác phẩm đều là một đứa con tinh thần, mất nhiều thời gian, công sức để xây dựng ý tưởng, nội dung, chủ đề. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc hơn đó là đã mang hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế”-NSNA Phạm Dực chia sẻ.
Đạt hàng trăm giải thưởng quốc tế, nhưng giải thưởng có ý nghĩa hơn cả với người nghệ sĩ là giải A tại triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng đất nước” với tác phẩm “Cứu”. Triển lãm do Hội NSNA Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm đất nước đổi mới (1986-2016). “Người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm không phải để dự thi mà trước tiên để thỏa mãn tình cảm cá nhân. Nhưng khi tác phẩm bước vào đời sống, nó tác động sâu sắc đến lương tri, tình cảm của con người, đó là thành quả của lao động nghệ thuật”-ông nói.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Dực tâm sự, nhiều người nói ông “có thời” với giải thưởng. Nhưng làm gì có “thời “ nào kéo dài đến 2 thập kỷ nếu không có sự miệt mài lao động, nghiêm túc học hỏi để mở mang kiến thức. Không phủ nhận sự may mắn, nhưng thứ ông đề cao chính là tinh thần lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông cho rằng, trong giới NSNA, dù có người lặng lẽ khiêm nhường, người thích sự sôi nổi vui vẻ, nhưng phía sau mỗi thành công của họ luôn là tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, là sự trăn trở trước các vấn đề của đời sống. Nhiều NSNA liên tiếp nhận những giải thưởng quốc tế trong những năm vừa qua đã khẳng định tầm vóc của nhiếp ảnh nghệ thuật Gia Lai và công sức lao động nghệ thuật bền bỉ của mỗi người.
Ghi chép ký ức qua ảnh
Không chỉ thành công ở lĩnh vực ảnh nghệ thuật, photo Phạm Dực cũng trở thành một thương hiệu ảnh dịch vụ ở Pleiku gần nửa thế kỷ qua. Những album ảnh do ông ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của các đôi uyên ương hay phút giây sum họp gia đình trở thành kỷ niệm riêng tư với nhiều người, nhiều gia đình. Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-chia sẻ: “Mỗi khoảnh khắc ý nghĩa trong gia đình tôi trong hơn 30 năm qua đều có sự đồng hành của NSNA Phạm Dực. Những khoảnh khắc của gia đình tôi dưới góc máy Phạm Dực luôn toát lên không khí vui vẻ, hạnh phúc và cảm nhận rất rõ sự gắn bó, yêu thương nhau”. Bà Nghi cho biết thêm, NSNA Phạm Dực còn đóng góp cho ngành Giáo dục nhiều hình ảnh để đưa vào giảng dạy lịch sử địa phương. Đó là những hình ảnh ghi lại một cách chân thực, gần gũi các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Gia Lai và luôn tràn đầy hơi thở cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, con người.
Không chỉ lưu lại những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp cho mọi người, photo Phạm Dực cũng trở thành một phần ký ức cho người dân Phố núi. Trong một lần trò chuyện với chị Nguyễn Thanh Thủy-Việt kiều Mỹ khi về Gia Lai làm từ thiện, chị đã rất vui khi nhắc đến photo Phạm Dực: “Có thể nói, đó là một tiệm ảnh của kỷ niệm. Nhớ ngày học ở Trường THPT Pleiku, tôi thường đạp xe qua tiệm ảnh Phạm Dực trên đường Phan Đình Phùng. Tôi đã từng mơ khi làm cô dâu, nhất định sẽ đến photo Phạm Dực để nhờ ông chụp ảnh cưới. Nhưng tiếc là tôi xa Pleiku trước khi dự định đó thành hiện thực”.
Nếu ảnh nghệ thuật là cuộc chơi công phu, tốn kém thì ở lĩnh vực ảnh dịch vụ, NSNA Phạm Dực cũng luôn dành sự đầu tư nghiêm túc và đề cao tinh thần học hỏi. Nhiều năm trước, khi đang ở đỉnh cao của ngành ảnh dịch vụ, ông có cửa hiệu trên đường Phan Đình Phùng luôn đông đúc, tấp nập. Công việc làm đêm ngày không xuể nên trong lòng ông cũng có chút hãnh diện. Nhưng khi vào tham quan một cửa hàng ảnh ở Thái Lan, ông đã vỡ òa. “Tôi thực sự choáng ngợp trước sự hiện đại, tiện nghi, dịch vụ chuyên nghiệp, máy móc tối tân của hiệu ảnh dịch vụ rộng lớn cả ngàn mét vuông. Mỗi chuyến đi đều cho tôi mở mang tầm mắt và không ngừng học hỏi”-NSNA Phạm Dực bày tỏ.
Được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như NSNA xuất sắc quốc tế (EFIAP), NSNA đặc biệt xuất sắc (EVAPA/G)… nhưng ông luôn tâm niệm, dù được phong tặng tước hiệu gì đi chăng nữa thì nhiếp ảnh và người cầm máy vẫn phải quay về đúng sứ mệnh phục vụ con người và cuộc sống. Bởi bản sắc của nghệ thuật nhiếp ảnh là tính chân thật và độ sâu văn hóa của người cầm máy sẽ quyết định đến những khoảnh khắc đẹp.
MINH CHÂU